Thăm phòng thí nghiệm đặc biệt, nơi những công nghệ tương lai ra đời
(Dân trí) - Điều khiển máy tính bằng ý nghĩ hay bộ xương gắn ngoài để giúp tăng sức mạnh của đôi chân. Những điều này tưởng chừng như chỉ có trên những bộ phim khoa học viễn tưởng, nhưng hoàn toàn có thể trở thành hiện thực bên trong phòng thí nghiệm đặc biệt của MIT - Học viện hàng đầu thế giới về công nghệ thông minh.
Arnav Kapur có thể đặt bánh pizza chỉ bằng cách nghĩ đến hành động đó. Muốn có thêm sốt phía trên bánh? Không vấn đề. Chàng trai 23 tuổi này có thể yêu cầu điều này mà không cần phải nói ra một lời hay di chuyển một ngón tay của mình.
Điều này nghe chừng như chỉ có trong những bộ phim khoa học viễn tưởng, tuy nhiên nó hoàn toàn có thể xảy ra trong thực tế.
Quảng cáo của DTads
Kapur là nghiên cứu sinh tại Media Lab (thuộc Viện Công nghệ Massachusetts - MIT), phòng thí nghiệm đa ngành nghiên cứu về những công nghệ tiên tiến thông qua các ý tưởng sáng tạo, thậm chí là những ý tưởng kỳ quặc. Media Lab được thành lập vào thập niên 80 của thế kỷ trước như một nỗ lực kết hợp giữa máy tính và nghệ thuật và hiện đã mở rộng với hơn 200 nghiên cứu sinh, được tự do mơ mộng, thiết kế và xây dựng ý tưởng của họ.
Dự án của Kapur được nhắc đến ở trên là một trong những ý tưởng sáng tạo của Media Lab, có tên gọi AlterEgo, là một thiết bị đeo có thể chặn các tín hiệu điện mà não bộ thường gửi tới các dây thanh âm để phát ra tiếng nói, sau đó thiết bị này sẽ gửi các tín hiệu chặn được đến một máy tính bên ngoài. Thiết bị sẽ không nắm bắt các suy nghĩ riêng tư của người dùng, mà người dùng phải kích hoạt thiết bị bằng “giọng nói nội tâm”, tương tự như khi bạn đọc trong đầu hoặc nói chuyện với chính mình.
Máy tính sẽ phản hồi lại những suy nghĩ của người dùng và nội dung sẽ truyền trực tiếp đến tai họ. Với AlterEgo, Kapur có thể điều khiển máy tính thực hiện một công việc gì đó chỉ bằng ý nghĩ của mình. Ngoài việc ra lệnh cho máy tính đặt bánh pizza theo yêu cầu, Kapur còn có thể thực hiện các câu lệnh tìm kiếm hoặc đặt ra câu hỏi và câu trả lời sẽ được truyền về trực tiếp vào tai của Kapur.
AlterEgo mới chỉ được Kapur phát triển trong một năm nhưng đã thực sự gây được nhiều ấn tượng và chắc hẳn trong thời gian tới, thiết bị này sẽ còn có thể làm được nhiều điều kinh ngạc hơn.
Không chỉ AlterEgo, bên trong MediaLab đang có nhiều thiết bị công nghệ mới đang được nghiên cứu và phát triển, nổi bật trong đó có dự án của giáo sư Hugh Herr.
Giáo sư Hugh Herr có niềm quan tâm đặc biệt đến các bộ phận nhân tạo cho cơ thể người do ông đã bị mất cả hai chân trong một tai nạn leo núi từ năm 17 tuổi. Sau tai nạn của mình, Herr đã nghiên cứu và áp dụng công nghệ cho các bộ phận giả trên cơ thể. Herr đã tự mình thiết kế đôi chân giả cho phép ông có thể đi lại và thậm chí là tiếp tục leo núi.
“Tôi nhận ra sức mạnh của công nghệ để chữa lành, phục hồi và thậm chí để mở rộng khả năng của con người vượt qua những giới hạn của tự nhiên, sinh lý”, Giáo sư Herr chia sẻ.
Hiện Herr đang theo đuổi dự án về một “bộ xương” ngoài dành cho con người, mà về cơ bản là để thêm cơ bắp cho đôi chân để giúp người mang có thể đi bộ, chạy nhanh hơn hoặc nhảy cao hơn. Bộ xương ngoài hiện đang phải kết nối với máy tính để điều khiển, nhưng Herr hy vọng sẽ làm cho thiết bị này có thể hoạt động độc lập, nghĩa là người dùng có thể mang và đi đến đâu mình muốn mà không còn phải bó buộc một chỗ với máy tính. Herr hy vọng có thể thương mại hóa thiết bị của mình trong tương lai.
Theo Scott Pelley, phóng viên của hãng tin CBS, người đã có cơ hội trải nghiệm thực tế thiết bị AlterEgo của Kapur và bộ xương trợ lực của Herr, cho biết ông thực sự ấn tượng với những ý tưởng và sản phẩm tại MediaLab và không quá khi gọi phòng thí nghiệm này là “nhà máy tương lai”, nơi những công nghệ tương lai được ra đời.
“Chúng ta cần phải nghĩ về tương lai”, Herr chia sẻ. “Thế giới sẽ trông như thế nào trong vòng 10, 20 hay 30 năm tới? Nó sẽ như thế nào? Anh biết đấy, cách tốt nhất để dự đoán tương lai là phát minh ra nó”.
Trên thực tế không quá khi gọi Media Lab là “nhà máy tương lai”, bởi lẽ nhiều công nghệ ngày nay cũng đã được ra đời từ những dự án tại đây, nổi bật trong đó như những cải tiến của công nghệ màn hình cảm ứng, các công nghệ trên thiết bị đeo thông minh hay mực điện tử... Hay một dự án được khởi đầu vào năm 1989 tại Media Lab về một hệ thống chỉ được dành cho tài xế đã tạo tiền đề cho hệ thống GPS trên smartphone ngày nay. Hay dự án năm 1997 khi Media Lab tạo ra một trợ lý kỹ thuật số có thể đáp ứng các câu lệnh bằng giọng nói, chính là tiền đề cho trợ lý ảo Siri hay Alexa của ngày hôm nay.